Hẹn nhau 6h sáng, tại Bến Xe Miền Đông, phải đi sớm để về kịp trong ngày. Ngồi trên xe đi Bình Phước, chưa đi bao giờ, cũng chưa biết địa điểm đến như thế nào. Chỉ nắm mỗi số điện thoại và vài dòng thông tin về dòng Đức Bà Truyền Giáo nơi đó. Nên có chút lo lắng... Mà thôi, cứ đi mọi việc sẽ ổn thôi.
Sau nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Đó là dòng Đức Bà Truyền Giáo, nơi cưu mang, nuôi dạy hơn 60 em dân tộc và hỗ trợ giúp đỡ 4 sock (4 khu dân tộc) cách SG 170km.
Sau nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi cũng đến được nơi cần đến. Đó là dòng Đức Bà Truyền Giáo, nơi cưu mang, nuôi dạy hơn 60 em dân tộc và hỗ trợ giúp đỡ 4 sock (4 khu dân tộc) cách SG 170km.
Nơi ở của các em
Hơn 60 em người dân tộc được các Sơ chăm lo cho ăn học. Nói đến chuyện đi học của các em cũng là nỗi vất vả của các Sơ ở đây. Những người dân tộc không hề muốn con cái họ đế trường vì sợ cái chữ làm con họ thông minh. Vì thế, để đưa được hơn 60 em từ khắp các bản làng về đây không dễ tí nào. Rồi khi hết năm học về nghỉ hè, không biết các em có trở lại đủ số hay không? Sơ cười bảo thế, nhưng vì không muốn các em suốt đời còn lại lam lũ, thất học nên các Sơ cũng cố gắng lúc nào hay lúc đó.
Để hiểu sâu hơn đời sống của người dân nơi đây, tôi và Anh Thư được Sơ nhờ 2 anh trong xóm đưa chúng tôi vào bản của người dân tộc Xtiêng. Một bản được cho là gần nhất cũng cách thị trấn 20km. Hai bên đường là rừng cao su bạt ngàn. Mùa này nắng, ít mưa nên đường vào thôn khá là thuận lợi, chứ mưa đến thì mệt lắm. Anh Hùng nói với tôi như thế. Và tôi cũng biết thế khi thỉnh thoảng xe phải né mấy cái ổ voi, né đống sình của những ngày mưa trước.
Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến trong bản là nơi được các Sơ xây dựng đã lâu, gồm 2 phòng cho 2 bà và 1 ông đang bị bệnh Phong.
Nhìn thấy bà và ông bị bệnh Phong ăn hết tay chân. Tôi biết bà và ông không thể lao động để kiếm sống. Tôi hỏi bà "năm nay bà bao nhiêu tuổi" bà cười "Tao đâu có biết tuổi..."
Thật sự mà nói, tôi không biết phải diễn tả thế nào về những hoàn cảnh khó khăn của người trong bản. Chỉ biết rằng, nếu bạn thấy những người dân tộc trong bản, những ngôi nhà trong bản, những hoàn cảnh sống trong bản những đứa trẻ trong bản thì chắc bạn cũng sẽ ngậm ngùi như tôi lúc đó...
Càng đi tìm hiểu, tôi càng tận mắt chứng kiến nhiều cảnh đời vất vả khó khăn, do ở xa dân cư, vốn hiểu biết lại không có nên đã nghèo lại càng nghèo thêm. Họ chỉ mong ngày 2 bữa có được ít gạo để nấu cơm, có vài cộng rau để ăn chứ làm sao nghĩ đến bữa ăn đầy đủ thịt cá...
Và khi ra về, những hình ảnh của trẻ em, hình ảnh người bị phong, cảnh những căn nhà mục nán cứ nằm trong tâm trí tôi. Tôi và Anh Thư cùng bàn nhau, đưa ra nhiều kế hoạch và hứa hẹn quay lại với bà con một ngày không xa. Một ngày rất gần...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét